Các phương pháp phòng bệnh bạch hầu
Phương Pháp Phòng Bệnh Sức Khỏe

Các phương pháp phòng bệnh bạch hầu

5 phút, 17 giây để đọc.

Bạch hầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính với các nang giả trên hạch hạnh nhân, hầu, thanh quản và mũi. Bệnh có thể xuất hiện trên da, niêm mạc khác như kết mạc hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh truyền nhiễm và độc hại, tác hại nghiêm trọng của bệnh chủ yếu do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.

Các phương pháp phòng bệnh bạch hầu
Hình: Các phương pháp phòng bệnh bạch hầu

Tác nhân gây bệnh

-Vi khuẩn diphtheriae thuộc họ Corynebacterium.

Nguồn truyền

-Vào ổ chứa: Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu nằm ở người bệnh và người lành mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa bệnh vừa là nguồn lây truyền bệnh.

-Thời gian ủ bệnh: từ 2 đến 5 ngày và có thể với thời gian lâu hơn.

Thời kỳ lây truyền: thường không cố định. Người bệnh đào thải vi khuẩn từ thời kỳ khởi phát, có thể sau khi hết thời gian ủ bệnh. Thời gian lây truyền kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ít hơn, hiếm khi hơn 4 tuần. Quá trình của một người lành mang vi khuẩn bạch hầu có thể từ vài ngày đến 3 đến 4 tuần, và trong một số trường hợp hiếm hoi, nó có thể kéo dài đến 6 tháng.

 Điều trị kháng sinh có hiệu quả nhanh chóng sẽ chấm dứt sự lây truyền. Hiếm có trường hợp mang vi khuẩn mãn tính kéo dài trên 6 tháng.

Phương thức lây truyền

– Lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu.

– Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

– Sữa tươi cũng có thể là phương tiện lây truyền bệnh bạch hầu.

Triệu chứng

– Viêm họng, mũi, thanh quản.

– Họng đỏ, nuốt đau.

– Da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ.

– Khám thấy có giả mạc. Cần phân biệt tính chất của giả mạc bạch hầu với giả mạc mủ. Giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc mầu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Cho giả mạc vào cốc nước dù có khuấy mạnh cũng không tan. Còn giả mạc mủ thì sẽ bị hoà tan hoàn toàn trong cốc nước. Vùng niêm mạc xung quanh giả mạc bị xung huyết.

Những biến chứng của bệnh

– Bệnh có thể gây ra các biến chứng sau: tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc từ hầu họng lan xuống dẫn đến suy hô hấp. Viêm phổi, viêm cơ tim. Rối loạn nhịp tim, suy tim và có thể tử vong. Liệt do tổn thương các dây thần kinh vận động.

– Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác và/hoặc viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% – 10%.

Điều trị

– Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế có đủ điều kiện để điều trị và cách ly kịp thời với mọi người xung quanh để tránh lây lan bệnh.

– Bác sĩ sẽ thực hiện điều trị chống ngoại độc tố bạch hầu để trung hòa các độc tố trong máu bằng cách tiêm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu. Đồng thời điều trị kháng sinh chống nhiễm khuẩn cho bệnh nhân.7.1. Biện pháp dự phòng

Những biện pháp nào để phòng bệnh bạch hầu

 Tiêm vắc-xin

– Tiêm vắc-xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu. Các loại vắc-xin phòng bệnh bạch hầu gồm có:

+ Trong chương trình Tiêm chủng mở rộng thì có mũi 5 trong 1 SII (vắc-xin phối hợp phòng 5 bệnh Bạch hầu – uốn ván – ho gà – viêm phổi do HIB – viêm gan B), DPT (Bạch hầu – uốn ván – ho gà) được tiêm cho tất cả trẻ từ 2 tháng đến 18 tháng tuổi.

+ Trong Tiêm chủng dịch vụ có loại vắc-xin 5 trong 1, 6 trong 1 (vắc-xin phối hợp phòng 6 bệnh bạch hầu – viêm gan B – Hib – ho gà – bại liệt – uốn ván).

– Thời điểm tiêm cho trẻ là lúc 2 tháng tuổi, 3 tháng, 4 tháng, nhắc lại lúc 18 tháng tuổi.

Vệ sinh phòng bệnh

+ Nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

+ Tại nơi có ổ dịch bạch hầu cũ cần tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm họng giả mạc. Nếu có điều kiện thì ngoáy họng bệnh nhân cũ và những người lân cận để xét nghiệm tìm người lành mang vi khuẩn bạch hầu.

Đối với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh

+ Khi phát hiện người mắc bệnh bạch hầu, do bệnh dễ lây truyền nên bắt buộc phải khai báo theo quy định của ngành y tế.

+ Đối với bệnh nhân: cần cách ly tại bệnh viện để điều trị, chỉ cho xuất viện về nhà khi khỏi bệnh về mặt lâm sàng và sau 2 lần ngoáy họng lấy bệnh phẩm nuôi cấy tìm vi khuẩn có kết quả âm tính, mỗi lần xét nghiệm cách nhau từ 2 – 7 ngày. Trước khi trở lại sinh hoạt bình thường với cộng đồng, người bệnh phải được lấy bệnh phẩm ở họng nuôi cấy thêm một lần nữa để tìm vi khuẩn và xác định bảo đảm không còn mầm bệnh với kết quả cấy vi khuẩn âm tính.

+ Xử lý môi trường: Phải sát trùng tẩy uế đồng thời và sát trùng tẩy uế lần cuối tất cả các đồ vật có liên quan tới bệnh nhân. Tẩy uế và diệt khuẩn phòng bệnh nhân hàng ngày bằng cresyl, chloramin B; bát đĩa, đũa, chăn màn, quần áo… phải được luộc sôi; sách, vở, đồ chơi v.v… phải được phơi nắng.

Trích dẫn: trungtamytequan2

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *